Lời mở đầu

Thân chào quí độc giả và các bạn!

Hiện nay blog này đã được di chuyển sang chỗ mới tại địa chỉ:


Các bài cập nhật sẽ được cập nhật trên địa chỉ mới này, mời quí vị và các bạn theo dõi trên địa chỉ mới!
Blog cũ này sẽ không được cập nhật them nữa.
Trân trọng cảm ơn quí vị và các bạn đã ghé thăm!

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Đặt tên đề tài và chương mục

Sau khi chọn được đề tài, lên khung bố cục rồi sẽ đến bước viết chi tiết outline: đặt tên cụ thể từ tên đề tài cho đến tên chương, tên mục.

Đặt tên đề tài

Không có tiêu chí để đánh giá một tên đề tài lầ tốt nhất, nhưng có một số tiêu chí giúp tránh đặt tên đề tài bị lỗi  mà các bạn có thể tham khảo như sau:
- Tên đề tài không nên quá tổng quan.
- Tên đề tài cũng không nên quá chi tiết
- Tên đề tài không nên có dấu chấm, dấu phẩy ở giữa.
- Tên đề tài nên bám sát nội dung sẽ trình bày trong đề tài

Blogger sẽ phân tích một số ví dụ:
Giả sử một bạn chọn đề tài tìm hiểu về thuật toán phân loại văn bản, sau đó có phần áp dụng vào hệ thống tư vấn khách hàng:
- Nếu đặt tên là "Nghiên cứu một số vấn đề về phân loại văn bản" thì quá chung chung và bị quá xa so với nội dung. Vì đề tài này gợi lên cho người đọc trông chờ vào một luận văn trong đó trình bày các khía cạnh và xem xét các vấn đề về lĩnh vực phân loại văn bản, trong khi đó nội dung luận văn lại chỉ chú trọng đến duy nhất 1 thuật toán phân loại văn bản.
- Thông thường với đề tài dạng áp dụng một thuật toán A vào một ứng dụng B thì nên đặt tên đề tài theo một trong 2 dạng: nếu đề tài chỉ chú trọng vào thuật toán A, mà ứng dụng B chỉ ở múc demo nhỏ nhỏ thì nên đặt tên đề tài là "Nghiên cứu thuật toán A áp dụng vào ứng dụng B". Nếu đề tài phát triển được ứng dụng hoàn chỉnh, có khả năng áp dụng thực tế cao thì nên đặt tên là "Xây dựng ứng dụng B dựa trên thuật toán A". Khi đọc tên đề tài xong người ta đã xác định được phần nào nội dung công việc các bạn sẽ làm rồi.
- Nếu đặt tên là "Áp dụng kỹ thuật phân loại văn bảo vào hệ thống tư vấn cho người dùng" thì vẫn còn chung chung vì không rõ kỹ thuật phân loại văn bản ở đây là kỹ thuật nào (thực tế có rất nhiều kĩ thuật), cũng không rõ hệ thống tư vấn cho người dùng ở đây là hệ thống tư vấn về cái gì, người dùng của cái gì.

Ví dụ 2, nếu bạn chọn đề tài xây dựng ứng dụng game trên điện thoại di động Android:
- Nếu đặt tên "Xây dựng game cho điện thoại di động" thì còn quá chung chung vì chưa rõ game gì, điện thoại di động chạy hệ điều hành gì. mà nên đặt dạng "Xây dựng game ô ăn quan cho thiết bị di động dùng Android" chẳng hạn, sẽ cụ thể và sát nội dung hơn rất nhiều.
- Nếu game có áp dụng thuật toán, ví dụ game đối khác có áp dụng thuật toán Min-Max thì nên nêu tên thuật toán trong tên đề tài luôn. Trường hợp này lại quay lại hướng của ví dụ 1, và vì đề tài tập trung xây dựng ứng dụng hoàn chỉnh (chú trọng phần ứng dụng) nên có thể đặt tên "Xây dựng game cờ tướng trên nền tảng Android dựa trên thuật toán Min-Max".

Đặt tên chương

Với gợi ý ở bài phác thảo bố cục, luận văn nên có 3 chương:
- Chương 1 nên đặt thẳng bài toán cần giải quyết nên các bạn có thể đặt tên trực tiếp là bài toán B như các ví dụ ở trên: "Bài toán tư vấn khách hàng mua hàng online", hay "Giới thiệu game cờ tướng cho thiết bị di động dùng Android".
- Chương 2 giới thiệu sâu về thuật toán A nên có thể đặt tên trực tiếp là thuật toán A. Trường hợp không áp dụng thuật toán nào mà xậy dựng ứng dụng trên Android thì đặt tên chương là "Giới thiệu nền tảng Android". Hoặc nếu chỉ áp dụng mô hình MVC để phát triển một ứng dụng thì chương này nên đặt tên là "Giới thiệu mô hình MVC". Trường hợp dùng quá nhiều mô hình, thuật toán, nền tảng thì chương 2 nên đặt tên tổng hợp thành "Một số cơ sở để xây dựng ứng dụng B".
- Chương 3 có thể lấy nguyên tên đồ án đặt tên chương vì bản thân nó chính là toàn bộ công sức của các bạn thực hiện trong đồ án. Hoặc có thể đặt tên là "Áp dụng A xây dựng ứng dụng B"

Tên các đề mục

Blogger đã gặp rất nhiều đồ án phạm sai lầm cơ bản khi đặt tên đề mục dạng một câu hỏi, nhất là khi trình bày các khái niệm ở chương 1 và chương 2. Chẳng hạn như muốn trình bày khái niệm về MVC, lại đặt đề mục là "MVC là gì?", muốn trình bày về web service thì đặt tên là "Thế nào là một web service?" hay "Một web service hoạt động như thế nào?", etc.
Các bạn nên nhớ là các bạn viết đồ án, luận văn là một tài liệu khoa học, nó không phải viết như viết sách giáo khoa, hay sách tham khảo hàng chợ, nên không nên viết tiêu đề dạng câu hỏi như thế. Cách viết thế chỉ dành cho người đọc chưa biết gì thôi, trong khi đó người đọc luận văn đồ án của các bạn là người hướng dẫn, phản biện của các bạn, là người nắm rõ vấn đề hết rồi. Do đó, các bạn nên viết tiêu đề một cách đơn giản, chân phương và khiêm tốn:
- "MVC là gì?" nên viết là "Giới thiệu mô hình MVC"
- "Thế nào à một web service?" nên viết là "Giới thiệu về Web service"
- "Một web service hoạt động như thế nào?" nên viết là "Nguyên lí hoạt động của web service"

Trong một số trường hợp, các bạn cũng nên tránh dùng từ "Tổng quan" trong tên chương mục, vì thực tế tổng quan nó rất rộng, trong khi các bạn trình bày chỉ là một phần nhỏ của vấn đề thôi, cho nên có thể thay từ "tổng quan" bằng các từ đơn giản hơn, đỡ đao to búa lớn như "giới thiệu".

Một số ràng buộc các bạn nên tham khảo khi đặt tên đề mục:
- Đề mục không nên là một câu hoàn chỉnh
- Đề mục không nên để dấu chấm, phẩy, chấm phẩy, chấm than, chấm hỏi ở cuối
- Đề mục không nên để chú dẫn tài liệu tham khảo
- Tên đề mục nên để ngắn gọn, không nên quá một dòng của trang

Với những gợi ý thế này, bạn đã sẵn sàng hoàn thiện outline đồ án của mình đề gửi cho giáo viên hướng dẫn khó tính của mình chưa? ;;)